Trang nhà
Lời Phật dạy
Từ bi trí huệ
Tết Nguyên Đán
Đại Lễ Phật Đản
Đại Lễ Vu Lan
Giác ngộ
Nghi lễ
Tự viện
 

Ý nghĩa lễ hội Vu Lan Báo Hiếu

Đăng bài 10/11/2015 01:00:12 PM  |  Cập nhật 3/9/2023 05:12:46 AM
Thẻ: vu lan, tự tứ, báo hiếu, Mục Kiền Liên, rằm
TT. Thích Phước Đạt

Tiến trình hình thành và phát triển Lễ hội Vu Lan tại nước ta từ xưa đến nay, theo thiển ý chúng tôi, cho đến bây giờ nó vẫn chưa được sử sách nào ghi lại một cách cụ thể, rõ ràng.

Có chăng, Lễ hội này chỉ có được đề cập bàng bạc ở trong kinh điển hoặc trong một số sử sách nước nhà qua các dữ kiện. Nhưng điều đáng nói ở đây, thực tế lịch sử minh chứng tầm vóc của nó qua dòng thời gian sự kiện lịch sử, kể từ ngày đạo Phật du nhập vào nước Đại Việt xưa kia cho đến hôm nay thì nó có ý nghĩa và giá trị lớn hơn nhiều so với thưở ban đầu. Từ một lễ nghi – cầu siêu bạt độ cho vong linh mang tính chất tôn giáo thiêng liêng, ngày nay nó trở Lễ hội Vu lan Báo hiếu của giới Phật giáo, trên hết nó nghiễm nhiên trở thành Lễ hội Văn hoá tình người của dân tộc và nhân loại.

Lễ Hội Vu Lan

Không phải ngẫu nhiên, cứ đến ngày rằm tháng bảy âm lịch hằng năm, giới Phật giáo long trọng tổ chức Đại Lễ Vu lan – Báo hiếu thật trang nghiêm hết sức hoành tráng từ hình thức tổ chức cho đến nội dung ý nghĩa ngày càng có giá trị nhân văn trên bình diện tâm linh – văn hoá của con người. Trong ý niệm đầu tiên, Vu lan chỉ là ngày lễ cầu siêu bạt độ cho tiền nhân quá vãng. Nó được xuất phát từ điển tích Phật giáo được ghi lại trong kinh Vu lan bồn. Vu lan là danh từ gọi tắt của từ Vu lan bồn. Vu lan bồn là cứu tội bị treo ngược. Tiếng Phạn là Ulambana, hay Avalamba nghĩa là treo ngược. Người Trung Hoa dịch Giải đảo huyền (Giải cái tội bị treo ngược). Theo ý nghĩa của tích Vu lan mà lý giải thì những người trong đời sống của chính mình từng tạo nghiệp ác thì phải chịu quả báo vào các cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, chịu nhiều thống khổ cùng cực như người bị treo ngược. Báo hiếu là sự đền đáp công đức sinh thành dưỡng dục của người con đối với cha mẹ hiền tiền và cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp; mở rộng ra là thái độ sống ân tình nghĩa cảm của “người còn kẻ mất” trong các mối quan hệ của con người.

hoasenno

Xem ra, lễ Vu lan có lẽ được định hình từ thời đức Phật, bằng đại bi tâm của mình Ngài đã chỉ phương thức báo hiếu cho cha mẹ ở đời này và nhiều đời khác. Người đầu tiên tiếp nhận không ai khác chính là Mục Kiền Liên. Tôn giả là một trong mười vị đệ tử xuất chúng của Thế Tôn. Khi Ngài vừa chứng được Lục thông, Tuệ nhãn liền tưởng nhớ đến mẹ mình, Tôn giả dùng tuệ nhãn nhìn khắp bốn phương, liền thấy mẹ mình đang ở trong loài ngạ quỷ hết sức đói khổ. Thương xót mẹ vô vàn, Ngài đã vận dụng thần thông xuống cõi ngạ quỷ dâng bát cơm đầy cho mẹ, do tâm mẹ mình quá xan tham lẫn từ đời trước quá nặng, sợ người khác thấy xin, cho nên bà một tay che bát cơm, một tay bốc cơm ăn. Than ôi, cơm chưa tới miệng đã hoá thành than lửa không thể nào dùng được. Vô cùng đau đớn, không biết có phương thức gì để cứu độ mẹ mình, Ngài liền về bạch Thế Tôn. Đức Phật thưởng tưởng, Ngài liền dạy:

Tội lỗi của mẹ ngươi dù có dùng thần thông phép lạ của hàng thiên thần địa kỳ cũng không cứu được đâu! Duy chỉ có dùng thần lực của chúng Tăng sau ba tháng an cư kiết hạ, tinh tấn tu hành thanh tịnh tập trung chú nguyện cho, may ra mới chuyển hoá được nghiệp lực của mẹ ngươi mới được thoát cảnh khổ mà thôi

Nghe vậy, Tôn giả Mục Kiền Liên liền khẩn cầu Thế Tôn:

Bạch Thế tôn, con nay làm sao mà mời được chư Tăng mười phương cúng dường một lúc như vậy được?

Đức Phật dạy:

Trong ngày Vu lan là ngày Tự tứ của chư Tăng, ông nên sắm các thứ cúng dường trong ngày Tự tứ, ngày đó dù các vị ở trong thiền định, hay thọ hạ kinh hành, hay hoá độ nhân gian, cũng tập trung lại để Tự tứ và cầu nguyện cho mẹ người, thì mẹ người được thoát khổ.

Tôn giả thực hành theo lời dạy của Thế Tôn, và chính trong ngày lễ Vu lan năm đó, mẹ Tôn giả thoát được cảnh ngạ quỷ mà hưởng được của chư Thiên. Tôn giả vô cùng hoan hỷ và thỉnh cầu:

Nếu sau này có chúng sanh nào muốn phát tâm hiếu để mà cầu nguyện cho cha mẹ thoát khổ được vui thì có làm như con có được không?.

Thế Tôn bảo rằng:

Có thể làm được như vậy trong ngày Tự tứ mà cha mẹ đời này và nhiều đời được siêu độ giải thoát”.

Từ đó, trong Phật giáo truyền lại một pháp cứu độ cho các bậc tiền nhân quá vãng được siêu thoát sanh về cảnh giới an lành được thực thi trong ngày Vu lan – Tự tứ. Ngày này, dù bạn là ai, làm gì, ở đâu cũng ước muốn được đến chùa để tham dự lễ Vu lan – Báo hiếu, thắp một nén hương lòng cầu cho cha mẹ hoặc đời này, hay nhiều đời được siêu độ, còn người đang hiện hữu nhờ công đức này mà an lành hạnh phúc trong cuộc sống nhân sinh.

Kể từ khi đạo Phật vào nước ta, giới Phật giáo bấy giờ đã diễn tiến ngày Vu lan thành lễ báo hiếu truyền thống hiếu kính mẹ cha, phụng thờ Tổ tiên ông bà, nối kết ân tình nghĩa cảm giữa người còn kẻ mất trong dòng chảy văn hoá tình người của dân tộc. Theo các tài liệu sử ghi nhận, từ các thế kỷ đầu Phật giáo du nhập, tại Giao Châu thì: “Sự thành lập Tăng đoàn, dịch kinh, sáng tác và làm chùa đã được thực hiện … Thuyết nhân quả nghiệp báo phù hợp với quan niệm ông Trời trừng phạt kẻ ác, ban thưởng người lành. Thuyết luân hồi cũng phù hợp với quan niệm linh hồn tồn tại sau khi xác thân thiêu hoại, và cũng phù hợp với nhận xét về sự tuần hoàn của loài thảo mộc vốn rất thạnh mậu tại một xứ nóng bức và ẩm thấp. Mâu Tử vào cuối thế kỷ thứ hai đã viết trong Lý Hoặc Luận về Luân hồi: “Thân thể người ta cũng như cành rễ của cây, linh hồn như hạt giống, cành rễ của cây sẽ bị hư hoại nhưng hạt giống còn sống và sẽ tạo nên cành rễ mới…” (1) Thuyết này thực sự ăn sâu vào tín ngưỡng dân gian bình dân rất sâu đậm, nhất là quan niệm linh hồn tồn tại sau khi chết. Chính Mâu Tử trong tác phẩm Lý Hoặc Luận, đã trả lời giới Nho gia thường hay lấy câu “vị năng sự sinh yên năng sự tử” (chưa biết đối phó với vấn đề sống làm sao biết đối phó vấn đề chết) để phá vỡ sự hoài nghi đả kích đạo Phật về việc tái sinh của con người tuỳ theo nghiệp lực đã tạo như sau: “Hồn thần của con người không tiêu diệt, chỉ có xác thân là mục nát thôi. Thân xác cũng ví như rễ và lá của loài ngũ cốc. Rễ và lá có sinh tất nhiên có tử, nhưng không phải vì rễ lá hoại mà hạt giống ngũ cốc không còn”. (2) Trong khi đó, Kinh Tứ thập nhị chương (3), một bản kinh được dịch ra Hán tự và lưu hành tại Giao Châu rất sớm, theo Nguyễn Lang từ thế kỷ thứ hai, bởi vì trong sách Lý Hoặc Luận của Mâu Tử đã đề cập đến kinh này. Bản kinh cũng đề cập đến vấn đề sanh tử, sống chết khá sâu, chương 12 viết: “Những nhơ uế của ác tâm đã rửa sạch thì mới biết được hồn linh từ đâu tới và sẽ đi về phía sinh tử nào”. Ơ chương 36, còn viết: “Phật nói, thoát đường ác mà được làm người là khó, được làm người mà làm người đàn ông là khó, làm người đàn ông mà đủ giác quan là khó, sinh xứ trung tâm là khó, sinh xứ trung tâm mà được thờ Phật pháp là khó, được thờ Phật pháp mà gặp quân vương đạo đức là khó, sống trong gia đình Bồ tát là khó, sống trong gia đình Bồ tát mà tín ngưỡng Tam Bảo gặp nhằm đời Phật là khó.”

Xem ra, con người sống và làm việc theo chiều hướng thiện, tuỳ theo công đức nghiệp thiện ở cấp độ nào mà thác sinh tho chiều hướng hưởng thọ nói trên. Mỗi cá nhân tốt thì gia đình mới tốt, từng gia đình tốt mới có xã hội tốt với Phật hóa gia đình. Một trong những công đức để thành tựu đạo nghiệp quả viên thành chính là thực thi đạo hiếu bằng công hạnh “thượng cúng dường Tam bảo, hạ bố thí cho chúng sanh”. Chương thứ 9, kinh ghi: “Phật nói, đãi cơm một trăm người thường không bằng một người tốt. Đãi cơm một ngàn người tốt không bằng một người giữ năm giới. Đãi cơm một vạn người giữ năm giới không bằng một vị Tu đà hoàn. Hiến cơm một trăm vạn Tu đà hoàn không bằng một vị Tư đà hàm. Hiến cơm ngàn vạn Tư đà hàm không bằng một vị A na hàm. Hiến cơm một vị A na hàm không bằng một vị A la hán. Hiến cơm mười ức A la hán không bằng một vị Bích chi Phật. Hiến cơm trăm ức Bích chi Phật không bằng đem giáo huấn Tam Bảo mà hoá độ song thân một đời. Hoá độ song thân ngàn ức đời không bằng hiến cơm một người học Phật, nguyện được như Phật để cứu vớt chúng sanh. Hiến cơm như vậy thì phước sâu dày nhất. Còn phụng thờ trời đất quỷ thần thì không bằng hiếu thảo mẹ cha, cha mẹ là thần linh bậc nhất”.

Rõ ràng, tâm hiếu là tâm Phật, không một ai trước khi thành Phật mà không được cha mẹ sinh ra. Thế nên, không có người dân Việt xưa nay mà không cảm nhận được cái đẹp từ cái ý nghĩa ngày Vu lan mỗi năm hiện về. Do đó, lễ Vu lan ở thời kỳ Phật giáo du nhập, thiết nghĩ cũng diễn ra thật trang trọng và đầm ấm biết chừng nào. Trước hết họ là những người dân bình thường theo đạo Phật, noi gương hiếu hạnh cũa Mục Liên cầu nguyện cho cha mẹ siêu sanh Tịnh độ. Từ đây, lễ này có tác động đến nhiều thành phần trong xã hội và lan toả khắp nơi. Từ vua quan, cho đến thứ dân, theo đạo Phật nhiều hay ít, cứ đến dịp Vu lan là thành tâm báo hiếu cho cha mẹ, bà con quyến thuộc, cửu huyền thất tổ, nội ngoại xa gần đều sớm sanh về miền Cực lạc. Do đó Vu lan còn gọi là ngày Xá tội vong nhân, tức là ngày nhờ oai thần của chư Tăng chú nguyện mà mọi chúng sanh đều ra khỏi u đồ trong ý nghĩa tâm linh, giàu chất nhân văn: “Vô thỉ luân hồi, tất cả chúng sanh từng làm cha, làm mẹ, làm anh, làm chị trong cõi luân hồi”.

Đến thời Lý Trần, Phật giáo hưng thịnh trở thành quốc giáo, Lễ Vu lan Báo hiếu càng trở nên hoành tráng quy mô hơn nữa. Điều này là có cơ sở để chúng ta nói như thế. Các vua thời này đều là những Phật tử thuần thành, rất hiếu tâm với cha mẹ ông bà và hiếu đạo Phật pháp mà sử sách ghi lại rất cụ thể. Có vị là còn thiền gia sáng tác kinh văn bày tỏ sự chứng đạt của mình và mong muốn thần dân của mình hành theo giáo lý nhà Phật để chuyển hoá tâm thức, xây dựng đất nước hùng cường. Theo Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại: “Vào năm Kỷ hợi (1299), Trần Anh Tông hạ chiếu in các sách “Phật giáo pháp sự, Đạo trường tân văn và công văn cách thức ban hành trong cả nước” (4). Trong đó, theo Nguyễn Lang nhận định: “Sách Pháp sự Đạo tràng ấn hành năm 1299 thế nào cũng đã chứa đựng một khoa nghi về Chẩn tế.” Chẩn tế là khoa nghi ghi lại phương thức cứu độ dành cho những âm linh cô hồn, hương hồn nhờ năng lực của chư Phật, chư Bồ tát, và Hiền Thánh tăng, và sự thành tâm thiết lễ cúng dường bố thí của người hiện hữu mà người quá vãng sớm tiêu trừ nghiệp chướng, thác sanh về miền Cực lạc. Người sống nhờ công đức này, phước trí được trang nghiêm, sống an lành trong Chánh pháp ngay giữa đời này. Chúng ta không ngạc nhiên, khi có nhiều đàn chẩn tế được tổ chức quy mô ở các chùa vào thời Lý Trần dưới sự bảo trợ của nhà nước, mà người tổ chức đại lễ lại chính là vị lãnh đạo tối cao đất nước – Hoàng đế hay các quan lại đại thần. Tất cả không chỉ tổ chức vào Đại lễ Vu lan để báo đáp Tứ ân, mà còn tổ chức vào các dịp lễ trọng đại khác với mục đích nguyện cầu cho Quốc thái dân an, âm siêu dương thái.

Rõ ràng từ sự tích báo hiếu của Mục Kiền Liên xuất phát từ bản kinh Vu Lan, việc cầu siêu bạt độ, cứu độ cha mẹ đời này hay nhiều đời không chỉ mang tính chất thiêng liêng gói gọn trong khuôn viên nhà chùa, mà đến thời Phật giáo đời Trần nó đã được nâng tầm lên ý nghĩa quốc gia - dân tộc trong ý nghĩa xây dựng con người và phát triển đất nước. Việc tổ chức Đại Lễ Vu lan mang tầm cỡ như thế, nó có ý nghĩa sâu xa nhất là góp phần quy tụ đầy đủ các thành phần trong xã hội đồng tâm hướng về một mối: thành tâm nguyên cầu cho người quá vãng từng làm cha, làm mẹ, làm bà con quyến thuộc nhiều đời của mình đều thác sanh về cõi an lành. Trên hết, là nó tạo ra sự đoàn kết thương yêu lẫn nhau, hướng tâm sống thiện, làm thiện để báo đáp Tứ ân như là công đức đáp đền đối với Phật pháp và dân tộc. Thế nên, nhà Trần đã không ngần ngại tiếp nhận các bản kinh có nội dung khoa nghi cầu siêu bạt độ từ các đạo sĩ Trung Hoa sang. Theo Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại thì “Vào năm 1302, bấy giờ có đạo sĩ Phương Bắc là Hứa Tông Đạo theo thuyền buôn sang ta, cho ở bến sông Yên Hoa. Pháp đàn chay bắt đầu thịnh hành từ đó.” (5) Điều này chứng tỏ, Lễ Vu lan báo hiếu thật sự lan toả khắp nơi, có cả quá trình tiếp nhận và phát triển không ngừng ở nước ta. Nhà nước và nhà chùa thời Trần đã kết hợp tổ chức Đại lễ Vu lan thật quy mô như là một lễ hội lớn mang tính chất phổ biến trên khắp diện rộng của quốc gia. Vào năm 1309, Pháp Loa đã đứng ra tổ chức Đại lễ Vu lan, thiết đàn chay Vu Lan cầu nguyện cho Trúc Lâm, và cầu nguyện Quốc thái dân an, âm siêu dương thái. Cũng vào năm 1320, Pháp Loa còn tổ chức một trai đàn chẩn tế nữa ở chùa Đại Ninh trong cung để cầu nguyện cho Thượng hoàng Anh Tông sống lâu thêm, và trong dịp đó cũng làm lễ quán đỉnh cho Trượng hoàng. Theo Nguyễn Lang nhận định trong Việt Nam Phật giáo sử luận thì Lễ hội Vu lan được diễn giải khá đầy đủ các giá trị mà con người hiện hữu hướng đến bao hàm cả giá trị tâm linh cả người còn kẻ mất. Nhất là các giá trị thiết thực nhân văn được đề cập đến, nó chứa đựng ý nghĩa chia sẻ tâm tư, khát vọng được yêu thương từ vật chất cho đến tinh thần đối với những người đang sống trên mảnh đất thân thương Đại Việt: “Vào các ngày chư Tăng xuất hạ (rằm tháng bảy), hội Vu lan được tổ chức để cúng dường chư Tăng rất lớn tại các chùa cả nước; đó là nhờ sự ủng hộ của giới tại gia. Căn cứ trên kinh Vu lan bồn (Ullambana), lễ Vu lan được tổ chức cúng dường chư Tăng, cầu nguyện cho cha mẹ ông bà đã khuất được siêu sanh Tịnh độ. Những cuộc chẩn tế cho người nghèo, những cuộc thăm viếng người bệnh, những lễ phóng sinh (thả tự do cho chim, cá vá các loài khác đã bị bắt) được tổ chức. Nhưng linh đình nhất là cuộc chẩn tế cô hồn: Đàn chẩn tế và thí thực được tổ chức từ chiều cho đến khuya. Phép chẩn tế được thực hiện theo một nghi thức nặng tính chất Mật giáo: Đó là nghi thức Du Già khoa nghi” (6).

hoasenno

Được biết khoa nghi này vừa văn chương và mang tính triết lý, nó có giá trị tạo ra các nguồn cảm hứng khác nhau cho các giới để sáng tác nhiều bản văn có giá trị học thuật mang tính chất thuyết giáo huấn thị các phương thức, thái độ sống con người nhằm răn đe giáo dục tự thân, hướng con người đi vào nếp sống hướng thiện giải thoát khổ đau sanh tử. Theo các nhà nghiên cứu văn sử, thì bản Thập giới Cô hồn Quốc văn của Lê Thánh Tông, Văn tế Thập loại Cô hồn của Nguyễn Du sau này đều lấy cảm hứng ở đoạn văn thỉnh thập loại cô hồn trong Khoa Nghi Du Già. Mới biết, đời sống hiện thực Vu Lan Báo báo hiếu đã đi vào sâu tâm thức người Việt thật sâu lắng, nó đã kết tinh thành văn chương vừa mang tính nghệ thuật thẩm mỹ định hướng cho một quan điểm sống hướng thiện để sống đẹp, hưởng quả tốt, nếu sống không đúng đạo lý, đúng với chánh pháp ắt gặt quả báo xấu.

Sang thời nhà Nguyễn, trong buổi đầu thiết lập vương triều, các vua chúa, quan lại đã biết kế thừa ý nghĩa và giá trị từ Lễ hội Vu lan nên đã không ngừng tổ chức các trai đàn để xây dựng con người để xây dựng đất nước, phát triển đạo lý Phật đà, theo tính kế thừa các giá trị truyền thống của Dân tộc và Đạo pháp. Việc xây dựng chùa chiền, tổ chức trai đàn, phiên dịch kinh điển để tạo dựng môi trường để đáp ứng nhu cầu tâm linh của mọi người dân, cũng như thắt chặt tình đồng bào, tình người qua các mối quan hệ là điều cần thiết hết sức. Các vua và quan lại thần dân là những Phật tử thuần thành là cơ sở thực hiện sự đoàn kết toàn dân trong việc phụng đạo yêu nước trong một bối cảnh lịch sử dân tộc thường xuyên biến động. Theo sách Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí ghi lại: “Năm Nhâm Dần, niên hiệu Hoằng Định thứ ba (1603), thượng tuần tháng bảy. Bấy giờ Đoan vương Nguyễn Hoàng ái mộ đạo Phật từ bi, khuyên việc thiện, trồng duyên lành, nhân gặp tiết Trung nguyên ngày rằm tháng bảy ra chùa Thiên Mụ cúng Phật, niệm kinh giải oan cầu phúc; tề độ chúng sanh, giúp người cứu khổ công đức vẹn thành” (7) . Còn Đại Nam Thực lục chính biên, đệ nhất kỷ ghi lại: “Năm Nhâm Tuất, Gia Long nguyên niên (1802) vua lập đàn ở Thiên Mụ để tế, tế khắp các chiến sĩ chết trận”. Năm Quý Hợi, Gia Long thứ hai (1803), lính các vệ thần sách đi vận tải lương thực gặp bão, chết mất 500 người ở ngoài biển. Vua xem họ là chiến sĩ trận vong, cấp cho tiền tuất và lại sai đặt đàn ở chùa Thiên Mụ để tế”. (8)

Rõ ràng các vua chúa triều Nguyễn rất chú trọng các vấn đề quốc gia đại sự và đạo pháp qua việc tổ chức trai đàn. Theo sử sách triều Nguyễn ghi nhận, vua Minh Mạng đã năm lần tổ chức Đại Trai đàn mang tầm cỡ quốc gia. Các quan đại thần trong Nội các phụng mệnh vua để thực thi Đại lễ thành công tốt đẹp. Bộ Hộ phải chịu trách nhiệm về ẩm thực, cấp kinh phí cho mọi thành phần dự lễ. Bộ Lễ phụ trách công tác trần thiết, phẩm vật cúng dường, lên lịch tụng kinh trong giới đàn. Hàn Lâm viện đảm trách việc soạn thảo văn sớ điệp đọc tại trai đàn. Bộ Lễ thực thi nghiêm ngặt trong quá trình hành lễ, cũng như giám sát cho đúng khoa nghi. Chủ sám là vị Tăng Cang có đạo hạnh được đề bạt cử hành lễ. Đọc văn bản chúng ta sẽ việc tổ chức có sự thiết chế chặt chẽ của triều đình: “Lần đám chay lớn nhất tổ chức tại chùa Thiên Mụ vào năm Minh Mạng nguyên niên (1820) . Các trấn tỉnh đều được lệnh phải cung thỉnh một vị hoà thượng và nhiều Tăng sĩ vân tập về Kinh đô Huế để lên chùa dự trai đàn. Số lượng Tăng chúng lên đến 419 người. Năm Minh Mạng thứ 6 (1825) sau khi trùng tu chùa Thiên Mụ xong, vua lại cho thiết đại trai đàn để làm an vị Phật. Mười năm sau, tức là năm Minh Mạng thứ 16 At Tỵ (1835), vào khoảng tháng 7 âm lịch, mở trai đàn Vu lan rất lớn. Nhà vua giao cho Hà Tôn Quyền và Hoàng Quýnh chịu trách nhiệm tổ chức, Bùi Công Huyến làm Đổng lý trai đàn. Trong kỳ đám chay lớn này, vua Minh Mạng đã lên chùa Thiên Mụ dự lễ. Nhà vua có làm nhiều thơ sai đem dán ở điện Phật và các đàn Thuỷ lục. Năm Minh Mạng thứ 18, Đinh Mùi (1837) lại thiết trai đàn tụng kinh hai mưới mốt ngày đêm (tam thất) cũng vào tiết Trung Nguyên, tức là Vu lan rằm tháng 7. Đại trai đàn này được tổ chức trọng thể Những người được nhà vua cử vào Ban Tổ chức đã xin vua đốt pháo và cấp thêm người phục dịch vì 146 biền binh không đủ.” (9)

Cho đến khi Phong trào Chấn hưng Phật giáo ra đời, nhất là từ khi có An Nam Phật học hội thì các Lễ hội Phật giáo được kiện toàn trở lại sau một thời gian, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau. Lễ Phật đản, lễ Vu lan rằm tháng bảy, Lễ Cầu siêu, cầu an được tổ chức khởi sắc thuần tuý của giới Phật giáo, mặc dù nó không còn sự bảo hộ triều đình. Mãi đến những năm tháng của thế kỷ 20, đầu 21, Lễ hội Vu lan báo hiếu không chỉ duy trì và tiếp thu các giá trị truyền thống của cha ông, mà còn không ngừng tuỳ duyên biến chuyển để thích nghi thời đại, thích nghi đời sống hiện thực. Cứ đến ngày rằm tháng bảy, ngoài nghi thức như truyền thống lễ nghi cầu siêu bạt độ, còn có thêm nghi cài bông hồng trên ngực cho những ai còn cha còn mẹ, hoặc cài bông hồng trắng để biết mình đã mất cha hoặc mẹ, còn quý Thầy thì được cài bông hồng màu vàng như muốn bày tỏ ý niệm giải thoát khổ đau ngay từ giờ phút thiên liêng bấy giờ. Trong Lễ hội này, các chùa còn tổ chức nghi thức “Thắp đuốc trí tuệ”. Mỗi người tự thắp lên ngọn nến như là biểu tượng của tự mình “Thắp lên ngọn đuốc lên mà đi” dưới ánh sáng của Trí Tuệ rọi soi, và một tấm lòng biết yêu thương và hiểu biết. Tại đây, các giá trị tâm linh càng bừng sáng. Người ta đến chùa tham dự lễ hội không chỉ trong ý niệm cầu nguyện cho cha mẹ, hay bà con quyến thuộc nhiều đời nhiều kiếp trong tiếng kinh cầu, mà trên hết là mọi người đều đồng tâm hướng về cộng đồng cùng chung dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn. Ý nghĩa “chẩn tế- cứu độ”thực sự trở thành phương thức lập nguyện tuỳ tâm, tuỳ sức của mỗi người mà đem lòng chia sẻ những nỗi đau từ thương tật, từ sự hoạn nạn … đến đồng bào còn nghèo đói, hay còn lắm nỗi khổ truân chuyên mà bút mực không thể giải bày hết.

Cuộc sống thì luôn vận động, con người cũng theo đó biến chuyển để vận hành trong dòng sống tương tục. Chính nếp sống theo tinh thần Hiếu đạo xuất phát từ trong ý niệm Vu Lan – Báo hiếu bao sợi dây thân ái của con người dù ỏ đâu, làm gì, theo tôn giáo nào. Nó không chỉ kết nối gia đình bà con huyết thống ở một đời trong một gia đình, một họ tộc mà còn thắt chặt với nhau bằng cái tình đồng bào, tình nhân loại. Giá trị lớm nhất của Lễ hội Vu lan – Báo hiếu là đem lại một nếp sống hạnh phúc và an lạc khởi đầu bằng tâm hiếu là tâm Phật. Đây chính là lễ hội mà ai cũng thể tự hào và hãnh diện khi được làm người, được sống và an trú trong một Lễ hội hết sức có ý nghiã và giá trị của “Văn hoá của tình người”./.

niemvuivulan

Tháng   Năm   
 
 
 
 
 
Tháng  
Ngày  
Giờ  
 
 

Với tâm nguyện góp phần vào công tác hoằng pháp bằng công nghệ thông tin, chuaphat.com trân trọng đăng tải các bài viết về Phật giáo và hoạt động Phật sự.

!!! Nam Mô A Di Đà Phật !!!

 

NỤ CƯỜI BẤT DIỆT
NỤ CƯỜI BẤT DIỆT
TẦM NHÌN GIÁO LÝ PHẬT
Ý NGHĨA CÔNG ĐỨC VÀ PHÚC ĐỨC
XUÂN TRONG ĐẠO PHẬT

© 2024 chuaphat.com  by tinyray