Trang nhà
Lời Phật dạy
Từ bi trí huệ
Tết Nguyên Đán
Đại Lễ Phật Đản
Đại Lễ Vu Lan
Giác ngộ
Nghi lễ
Tự viện
 

Đại Lễ Vu Lan

Đăng bài 26/10/2015 07:17:11 AM  |  Cập nhật 11/5/2023 05:18:55 PM
Thẻ: vu lan
TK. Thích Phước Thái

Vu lan Bồn, phiên âm từ chữ Phạn là Uilambana, còn gọi là Ô lam bà noa, dịch là Đảo huyền, chỉ nỗi đau khổ cùng cực. Trong quyển Huyền Ứng Âm Nghĩa 13 có giải thích như sau: “Vu lan Bồn, là nói sai. Nói đúng là Ô lam bà noa, dịch là Đảo huyền.

Kinh Vu Lan

Theo phép nước Tây Trúc vào ngày Tự tứ của chư tăng, người ta mua sắm thực phẩm, đặt cổ bàn linh đình, dâng cúng Phật tăng để cứu cái khổ treo ngược (đảo huyền) của người đã mất. Xưa nói là một cái chậu đựng thức ăn, đó là nói sai”. Vu Lan Bồn Kinh Sớ Tông Mật nói: “Vu lan là từ ngữ của Tây Vực, nghĩa là Đảo huyền, bồn là âm của Đông Hạ vẫn là đồ dùng cứu chữa. Nếu theo cách nói của địa phương thì phải nói là cứu đảo huyền bồn.”

Trong quyển Vu lan Bồn Tâm Ký quyển thượng của Nguyên Chiếu bác lại: “Theo Ứng Pháp Sư Kinh Âm Nghĩa thì: Tiếng Phạn Ô lam bà noa dịch là đảo huyền, nay xét Ô Lan tức là Vu lan, Bà noa là cái chậu. Thế là ba chữ đều là tiếng Phạn. Nhưng âm thì có sự xê xích sai lầm.” Đó là ý nghĩa của ba chữ Vu lan Bồn.

Còn Tự tứ là gì? Tự tứ là một thuật ngữ của Phật giáo. Tiếng Phạn là Pravaranà (Bát Thích Bà) cách dịch cũ là Tự tứ, cách dịch mới là Tùy ý. Buổi lễ này được diễn ra vào ngày cuối cùng của ba tháng an cư kiết hạ, theo luật tiền an cư là ngày 16 tháng Bảy, hậu an cư là ngày 16 tháng Tám, ngày đó mọi người tự nêu ra các tội lỗi mà mình đã phạm phải trước mặt các vị Tỳ kheo khác, và tự sám hối, nên gọi là Tự tứ. Còn gọi là Tùy ý, vì là tùy theo ý của người khác mà nêu ra các lỗi mình phạm phải, nên gọi là Tùy ý. (Từ Điển Phật Học Hán Việt trang 1447)

Đó là chúng tôi trích dẫn nguyên văn trong quyển Từ điển Phật học Hán Việt để giải thích ý nghĩa của hai chữ Tự tứ. Ở đây, chúng tôi cũng xin được nói rõ thêm về ý nghĩa của buổi lễ quan trọng này. Đây là một buổi lễ mà chư tăng, ni sau ba tháng an cư kiết hạ, ai có lỗi lầm gì phải tự phát lồ sám hối trước đại chúng. Hoặc đại chúng thấy, nghe, hay nghi vị nào đó có phạm tội lỗi, thì có thể chỉ bảo cho vị đó sám hối.

Quả đây là một tinh thần tự giác cao độ của đạo Phật. Thông thường, ai cũng che đậy những lỗi lầm của mình, ít ai dám phơi bày cái lỗi lầm của mình cho người khác biết. Bởi thế có câu: “Xấu che, tốt khoe.”

Ngược lại, đằng này chư tăng, ni không vì tự ái bản ngã cá nhân, mà tự thổ lộ những điều sái quấy của mình trước mặt mọi người. Bởi do sự thành thật chỉ lỗi cho nhau trong tinh thần hòa ái, tương kính, nên chư Phật trong mười phương hết thảy đều hoan hỷ. Do đó, nên ngày này còn gọi là Ngày Phật hoan hỷ là như thế.

VU LAN VÀ TỰ TỨ - VÀI SUY NGHĨ TẢN MẠN
Bình Anson

Khi Đức Phật còn tại thế, Ngài có đặt ra một giới luật cho hàng tu sĩ là:

Hằng năm, trong ba tháng mưa (mùa hè ở Ấn Độ), chư tăng ni không được phép du hành ra ngoài, mà phải trú tại một tự viện để tích cực tu học. Nếu có chuyện cần thiết, chỉ được phép xuất viện trong thời hạn không quá 6 đêm, rồi phải trở về chùa.

Đó là nguồn gốc của việc "An cư Kiết hạ".

Theo lịch của Ấn Độ, thời gian đó bắt đầu từ ngày 16 tháng 6 âm lịch, cho đến ngày rằm tháng 9 âm lịch. Thời gian An cư Kiết hạ nầy vẫn được chư tăng Nam Tông (Thái, Miên, Miến, Lào, Tích Lan) tôn trọng cho đến ngày nay [ngoại trừ vài biệt lệ để du di thời gian an cư này].

Nhưng khi Phật giáo truyền sang Trung Hoa, theo luật Tứ phần và lịch Tàu, ấn định mùa An cư là từ ngày 16 tháng 4 âm lịch (sau ngày Phật Đản) cho đến ngày 15 tháng 7 âm lịch. Đó là truyền thống của Bắc Tông (Tàu, Việt, Nhật, Cao Ly).

Đến ngày cuối cùng của mùa An cư, chư Tăng họp lại, kiểm điểm thành quả, và tụng sám hối nếu có phạm lỗi gì đó trong ba tháng Hạ - thể thức lễ Tự Tứ, rồi chia tay, xuất viện để đi hoằng pháp khắp nơi. Đây là luật chung của chư Tăng; Nam Tông (rằm tháng 9) và Bắc Tông (rằm tháng 7) đều có Lễ Tự Tứ này.

Đó là giới luật về sinh hoạt trong nội bộ Tăng đoàn. Tuy nhiên, trong truyền thống Nam Tông, theo đúng giới luật nguyên thủy, trong vòng 30 ngày sau khi kết thúc An cư -- nghĩa là từ 16 tháng 9 đến rằm tháng 10 âm lịch -- hàng cư sĩ tổ chức Lễ Dâng Y Kathina, cúng dường y áo và các vật dụng cần thiết, để chư Tăng có phương tiện mà đi ra ngoài, phục vụ công tác truyền đạo.

Thế nhưng tại sao lại có Lễ Vu Lan? Đó là dựa theo sự tích trong kinh Vu Lan Bồn (phiên âm của chữ Ullambana) trong bộ kinh điển của Bắc Tông, trong đó Ngài Mục Kiền Liên, đại đệ tử của Đức Phật, có nhiều thần thông, bay đi tìm mẹ và thấy bà đang ở Địa ngục khổ sở, do kết quả của các ác nghiệp của bà. Đức Phật dạy rằng nếu muốn cứu giúp bà, phải cầu xin oai lực của tất cả chư Tăng trong ngày Tự Tứ cùng nhau tụng kinh, hồi hướng phước báu đến cho bà...

Dựa theo sự tích đó, người cư sĩ Bắc Tông thường đến chùa vào ngày Tự Tứ - rằm tháng 7 âm lịch, cúng dường, và xin chư Tăng giúp trì tụng, hồi hướng phước báu đến ông bà cha mẹ, cửu huyền thất tổ của mình, những người thân đă qua đời ... Đó là nguồn gốc của Lễ Vu Lan.

Vào đầu thập niên 1960, thầy Thích Nhất Hạnh có du hành sang Nhật Bản, và gặp thầy Thích Thiên Ân đang tu học tại đó [thầy Thiên Ân, về sau nầy, sáng lập Phật Học Viện Quốc Tế ở Los Angeles, và đã viên tịch]. Khi được thầy Thiên Ân đưa đi tham quan, thầy Nhất Hạnh thấy được phong tục của người Nhật vào ngày Bà Mẹ (Mother's Day), họ cài bông hồng trắng cho người đă mất mẹ, bông đỏ cho người mà mẹ còn sống. Cho rằng đó là một phong tục tốt, thầy có ý định đem tục lệ đó về Việt Nam, để áp dụng cho người Việt trong dịp Lễ Vu Lan. Thầy viết tập Bông Hồng Cài Áo (1962), về sau được nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ phổ thành bài nhạc.

Ý tưởng đó được vài nhóm Gia đình Phật tử áp dụng tại một số chùa. Đó là nguồn gốc của nghi thức Bông Hồng Cho Mẹ trong ngày Vu Lan. Tuy nhiên, dường như nghi thức nầy không phổ thông ở Việt Nam, trước 1975.

Bây giờ thì ngày rằm tháng 7 được tổ chức rầm rộ như là Ngày Của Mẹ, ngày dâng Bông Hồng Cho Mẹ, là mùa Báo Hiếu, v.v..., trong nước cũng như tại hải ngoại. Vì không có thông tin chính xác, nên tôi không biết rõ những nguyên nhân nào khác đã làm thay đổi Lễ Vu Lan truyền thống thành những dạng thức như ngày nay.

Dù sao, đó cũng là một điều tốt, để mọi người có dịp đến chùa, để các em trẻ có thêm sinh hoạt thiện lành, để chúng ta có dịp dừng cuộc sống vội vã tất bật mà nhìn lại lòng mình, suy tưởng đến công lao và tình thương của bà mẹ hiền yêu quí..

Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quên rằng ngày rằm tháng 7 khởi nguyên chỉ là ngày Tự Tứ của Tăng đoàn, kết thúc mùa An cư, theo luật Tứ phần của Bắc Tông.

Tháng 08-2002

Tháng   Năm   
 
 
 
 
 
Tháng  
Ngày  
Giờ  
 
 

Với tâm nguyện góp phần vào công tác hoằng pháp bằng công nghệ thông tin, chuaphat.com trân trọng đăng tải các bài viết về Phật giáo và hoạt động Phật sự.

!!! Nam Mô A Di Đà Phật !!!

 

NỤ CƯỜI BẤT DIỆT
NỤ CƯỜI BẤT DIỆT
TẦM NHÌN GIÁO LÝ PHẬT
Ý NGHĨA CÔNG ĐỨC VÀ PHÚC ĐỨC
XUÂN TRONG ĐẠO PHẬT

© 2024 chuaphat.com  by tinyray